Chuyển hướng nghề nghiệp ở tuổi 30, có nên?

Kể từ khi bước qua tuổi 30, chuyển hướng sự nghiệp được xem như là một quyết định rất khó khăn và cực kỳ mạo hiểm. Tuy nhiên, vì một số lí do, đôi lúc chúng ta buộc phải chọn cho mình hướng đi mới dù trước đó bản thân đã từng có tư tưởng “đâm lao thì phải theo lao” với công việc cũ. Vậy, làm gì để bạn có thể vững vàng bước đi trên con đường sự nghiệp hoàn toàn xa lạ mà không phải đối mặt với quá nhiều cản trở? Đây chính là câu trả lời!

1. Thay đổi ngành nghề sao cho phù hợp với đặc điểm và tố chất cá nhân

Đặc điểm, tố chất cá nhân được xem như là nền tảng để bạn có thể tiếp cận công việc mới. Bởi lẽ, khi thay đổi tính chất công việc, bạn đã gặp phải thiệt thòi rất lớn, đó chính là những lỗ hổng về mặt kiến thức. Do đó, bạn cần khai thác, liệt kê đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu của mình một cách chi tiết nhất, sau đó tìm việc làm mà dù kiến thức của bạn chưa đầy đủ nhưng ưu điểm mà bạn sở hữu có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi với công việc mới đó. Ví dụ, bạn là người có khả năng diễn đạt ngôn từ tốt, có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo và lối suy nghĩ sâu sắc thì bạn hoàn toàn có thể thử sức với vai trò là một nhà văn, hay người viết nội dung dù trước đó bạn là một kế toán viên.

2. Trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết

Các ngành nghề dù có khác nhau 180 độ thì giữa chúng vẫn có sự tương đồng, đó chính là muốn làm tốt công việc, bạn buộc phải sở hữu một số kỹ năng nhất định. Thật sự, một người giỏi các kỹ năng thường có cơ hội trở thành một nhân viên tốt và dễ dàng thích nghi với đồng nghiệp, công ty hơn là một người chỉ giỏi về mặt kiến thức. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng dành nhiều sự ưu ái hơn nếu ứng viên của mình sở hữu nhiều kỹ năng hỗ trợ tốt cho công việc mà họ ứng tuyển. Vì vậy, nếu đã trang bị cho mình đầy đủ các kỹ năng cần thiết, con đường đi đến thành công của bạn sẽ ít chông gai hơn rất nhiều.

3. Tập trung xây dựng thương hiệu bản thân

Theo khảo sát, phần lớn các nhà tuyển dụng cho rằng có rất ít cơ hội cho một người 30 tuổi vào làm việc ở một công ty với vị trí khởi đầu. Do đó để tăng tính cạnh tranh của bản thân khi ứng tuyển, bạn phải biết cách làm mình khác biệt theo hướng tích cực. Có rất nhiều cách để xây dựng thương hiệu bản thân, tuy nhiên gần đây có một cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao chính là tận dụng mạng xã hội. Bạn biết không, hầu như nhà tuyển dụng sẽ “dạo” trang cá nhân của bạn ít nhất một vòng để tìm hiểu rõ về bạn hơn qua xu hướng sử dụng mạng xã hội. Do đó, hãy chắc chắn rằng trang cá nhân của mình “đủ tốt” để phản ánh hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp của bản thân theo cách mà bạn muốn.

4. Không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức

Sự e ngại lớn nhất của hầu hết những người có ý định làm việc trái ngành chính là bản thân thiếu chuyên môn, không biết mình sẽ xoay sở ra sao với việc làm mà lượng kiến thức mình có về nó chỉ tính trên đầu ngón tay. Tuy nhiên ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, bạn có thể dễ dàng tự học hỏi những kiến thức cơ bản qua các website, kênh youtube,…sau đó tham khảo thêm những người có kinh nghiệm, đọc thêm nhiều tài liệu, nếu có thời gian thì tham gia một số khóa đào tạo ngắn hạn,…Khi làm được những điều trên, nhất định bạn sẽ tích lũy được những kiến thức cơ bản để bước chân vào nghề mà không quá tự ti. Chỉ có điều là bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian, đồng thời cũng phải nỗ lực tự thân vận động hơn rất nhiều.

5. Lên phương án giải quyết nếu gặp rủi ro và chuẩn bị đủ “chi phí dự phòng”

Tỉ lệ rủi ro khi chuyển hướng sự nghiệp thật sự không hề thấp, vì vậy, trước khi thực hiện nó, bạn cần có cho mình phương án giải quyết tốt nhất trong trường hợp sau thời gian dài thử sức và cố gắng, bạn nhận ra mình “không có duyên” với lựa chọn này. Nhiều người phản đối rằng, nếu chưa làm đã nghĩ rằng mình thất bại thì sẽ không bao giờ thành công, tuy nhiên, sự chuẩn bị kĩ càng không bao giờ là thừa, nhất là về vấn đề tài chính. Do đó trên hết, bạn phải đảm bảo được rằng, số tiền mà bạn đang có đủ để bạn và gia đình duy trì cuộc sống ổn định trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng.

Xét đến cùng, dù từ bỏ việc cũ để “làm lại từ đầu” ở độ tuổi sau 30 là một thử thách rất lớn nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu bạn có quyết tâm và ý chí cầu tiến, chắc chắn sẽ có lúc thành công mỉm cười với bạn!

— HR Insider —

Facebook Comments